Kinh Doanh Quán Cà Phê Nhỏ Thành Công Chỉ Với Số Vốn Dưới 100 Triệu

Thật tuyệt vời khi ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến công việc kinh doanh và lựa chọn quán cà phê để đầu tư. Đa phần tuổi đời còn trẻ và chưa có nhiều va vấp nên họ thường chọn hình thức kinh doanh quán cà phê nhỏ để làm quen và giảm thiểu rủi ro. Vậy mở quán cà phê quy mô nhỏ cần bao nhiêu vốn? Những điểm gì cần lưu ý để có thể kinh doanh mô hình này thành công?

Mở quán cà phê nhỏ cần bao nhiêu vốn

1.1. Chi phí mặt bằng

Loại chi phí đầu tiên mà bạn cần phải quan tâm khi lên danh sách các khoản chi phí mở quán cà phê nhỏ đó là tiền thuê mặt bằng. Tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ và vị trí sẽ có những mức giá khác nhau cho khoản chi này. Tuy nhiên kinh doanh quán cà phê nhỏ thì bạn chỉ cần mặt bằng có diện tích khoảng 15 đến 20 mét vuông. Chi phí đầu tư mà bạn phải bỏ ra hàng tháng sẽ rơi vào khoảng 5 triệu đến 10 triệu đồng. 

Bạn cũng cần lưu ý một điều rằng khi thuê mặt bằng, người cho thuê sẽ thường yêu cầu bạn phải đặt tiền cọc và thanh toán chi phí tối thiểu 6 tháng. Điều này sẽ được quy định rõ trong hợp đồng nên bạn cần chuẩn bị số tiền dự trù thích hợp.

Mặt bằng mở quán cà phê nhỏ
Mặt bằng mở quán cà phê nhỏ

1.2. Chi phí trang trí, xây dựng.

Sau khi thuê mặt bằng, bạn tiêu tốn một khoản tiền để trang trí và sửa sang lại quán. Đối với hình thức kinh doanh quán cà phê nhỏ, chi phí trang trí và xây dựng sẽ tiêu tốn cho các mục đích sau:

  • Sửa chữa, thiết kế lại mặt bằng quán,
  • Đầu tư các trang thiết bị như bàn ghế, hệ thống âm thanh ánh sáng,
  • Các dụng cụ chuyên dụng phục vụ tại quán như tủ lạnh, tivi, các dụng cụ pha chế,…

Với mô hình kinh doanh nhỏ và không đòi hỏi sự khắt khe trong không gian và cách bày trí thì mức chi phí cần phải bỏ ra sẽ rơi vào khoảng từ 40 triệu đến 60 triệu đồng. 

1.3. Chi phí dụng cụ nguyên vật liệu

Một quán cà phê nhỏ thường sẽ chỉ phục vụ một số loại thức uống cơ bản và không đòi hỏi quá nhiều sự cầu kỳ. Những nguyên liệu mà bạn cần chuẩn bị để phục vụ cho mục đích kinh doanh đó thường là cà phê. sữa, đường, các loại trái cây, siro,…Mức chi phí mà bạn phải bỏ ra hàng tháng sẽ rơi vào khoảng 5 triệu đến 10 triệu đồng và cũng có thể hơn tùy thuộc số lượng thức uống trong thực đơn và số lượng khách hàng đến quán bạn.

1.4. Chi phí duy trì

Trong thời gian đầu mới đi vào hoạt động sẽ không tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng và lượng khách hàng chưa ổn định nên sẽ rất dễ bị thâm hụt nguồn vốn. Chính vì điều này bạn cần phải chuẩn bị một khoản tiền dự trù để có thể trang trải và duy trì hoạt động cho quán cà phê trong thời gian này. Thông thường đối với quán cà phê nhỏ thì khoản chi phí này sẽ rơi vào khoảng 100 triệu đồng.

Các mô hình quán cà phê nhỏ

2.1. Cà phê cóc

Với những người có số vốn vừa phải và muốn thử sức với lĩnh vực kinh doanh cà phê thì mô hình quán cà phê cóc là một gợi ý cho bạn. Đối tượng khách hàng mà mô hình này hướng tới không quá quan trọng về không gian hay cách bày trí. Thứ họ cần khi đến quán cóc là thưởng thức những thức uống chất lượng theo những nét bình dị và đơn giản. Ngồi nhâm nhi ly cà phê bên đường, ngắm nhìn dòng người qua lại và trò chuyện với bạn bè là những trải nghiệm đặc biệt. Chỉ cần vài bộ bàn ghế với số vốn khoảng 50 triệu đồng là bạn đã có thể tự tin thử sức với mô hình này. Tuy nhiên bởi sự phổ biến và đơn giản nên thị trường cà phê quán cóc đã dần trở nên bão hòa và sự cạnh tranh vô cùng cao bởi những mô hình kinh doanh cà phê tương tự như take away. 

Quán cà phê cóc
Quán cà phê cóc

2.2. Cà phê take away

Cũng là một hình thức đầu tư thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm bởi sự linh động và vốn đầu tư thấp, cà phê take away đang dần chiếm thị phần trong lĩnh vực kinh doanh quán cà phê. Đối tượng khách hàng mà mô hình này hướng đến là những tiêu dùng nhằm mục đích mang đi thay vì ngồi thưởng thức tại quán. Với mô hình này thì thường bạn sẽ không cần tốn chi phí để thuê mặt bằng hoặc tốn rất ít. Tính linh động giúp bạn có thể lựa chọn bất kỳ nơi đâu có nhiều người qua lại để buôn bán. 

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng mô hình này lại khá khó khăn trong việc định vị thương hiệu bởi lượng khách hàng thường không cố định. Ngoài ra tâm lý tiêu dùng của nhiều người còn rất dè chừng đối với các sản phẩm ven đường bởi yếu tố vệ sinh nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

Mô hình cà phê take away
Mô hình cà phê take away

2.3. Cà phê bình dân

Mô hình chiếm phần lớn thị phần trong thị trường kinh doanh quán cà phê đó là mô hình cà phê bình dân. Đi khắp các con đường nẻo phố đâu đâu ta cũng bắt gặp những quán cà phê nhỏ không cần bảng hiệu, không cần trang trí cầu kỳ. 

Đối tượng khách hàng mà mô hình này hướng đến là những người lao động có thu nhập không quá cao nên giá đồ uống rất rẻ. Một vấn đề đáng quan tâm đối với mô hình cà phê giá rẻ này đó là chất lượng sản phẩm. Với giá thành chỉ khoảng 10 ngàn đến 12 ngàn đồng thì rất khó để đảm bảo về nguồn nguyên liệu cà phê chất lượng cao và an toàn cho sức khỏe. Nhất là khi chủ kinh doanh thường mở ra để kiếm thêm thu nhập nên không có sự nghiên cứu kỹ về chất lượng.

Mô hình cà phê bình dân
Mô hình cà phê bình dân

 

2.4. Cà phê văn phòng ( chung cư )

Nếu để ý quan sát bạn sẽ nhận ra hầu hết các tầng trệt của các tòa nhà, chung cư đều có khu vực mở bán cà phê. Đối tượng khách hàng mà mô hình này hướng đến đa phần là những người làm văn phòng, kinh doanh. Yêu cầu về mặt chất lượng đồ uống và cách bày trí, cách phục vụ của mô hình này rất cao nên bạn cần phải bỏ ra một số vốn đầu tư không hề nhỏ, đặc biệt là chi phí bỏ ra để thuê mặt bằng tại các chung cư, tòa nhà là không hề rẻ. Để có thể kinh doanh mô hình này thì bạn phải cần có một số vốn tối thiểu là 180 triệu đồng. 

Ưu điểm của mô hình này là lượng khách hàng khá ổn định, họ là người có thu nhập cao nên giá thành đồ uống không quan trọng, chủ yếu là chất lượng đồ uống phải tốt và không gian thoải mái. Bên cạnh đó, mặt thách thức của mô hình này là khó cạnh tranh được với những thương hiệu cà phê nhượng quyền của nước ngoài nổi tiếng ở Việt Nam và chịu sức cạnh tranh bởi những mô hình quán cà phê hiện đại cùng nhắm chung vào đối tượng khách hàng này.

Mô hình kinh doanh cà phê văn phòng chung cư
Mô hình kinh doanh cà phê văn phòng chung cư

Marketing cho quán cà phê nhỏ

Trong thời điểm đầu mới đi vào hoạt động, hầu hết các quán cà phê đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng khách hàng. Chính vì thế sử dụng các phương thức marketing rầm rộ sẽ giúp bạn quảng bá tốt cho thương hiệu của mình. 

Với số vốn hạn chế, để tiết kiệm chi phí bạn nên tận dụng những trang mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo để quảng bá cho quán của mình. Bên cạnh đó các chương trình giảm giá, khuyến mãi diễn ra trong những tháng đầu cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các đối tượng khách hàng và tránh được tình trạng đứt hụt nguồn thu do vắng khách.

| Xem thêm: Mở quán cà phê có cần giấy phép kinh doanh không? Thủ tục thế nào?

| Xem thêm: Bí quyết kinh doanh cà phê pha máy hiệu quả lợi nhuận cao

| Xem thêm: Kế hoạch kinh doanh quán cà phê sinh viên cho người ít vốn

Những điểm cần lưu ý khi mở quán cà phê nhỏ

4.1. Kinh nghiệm lên menu và đánh giá thức uống

Menu đồ uống là một trong những yếu tố giúp bạn gây được ấn tượng với khách hàng khi lần đầu ghé quán. Tận dụng tốt yếu tố này sẽ giúp công việc kinh doanh của bạn trở nên thuận lợi hơn. Dưới đây là một vài lưu ý giúp bạn có kế hoạch lên menu đồ uống hiệu quả.

Đầu tiên đồ uống phải đảm bảo chất lượng, đồ uống không chỉ ngon mà còn phải được bày trí đẹp mắt để tăng sức cạnh tranh so với các mô hình quán cà phê khác. 

Liên tục nghiên cứu thị trường và cập nhật những thức uống bắt trend đưa vào menu. Tuy nhiên bạn cần phải lựa chọn có chọn lọc. Đối với mô hình kinh doanh quán cà phê nhỏ thì không nên đưa vào những loại thức uống có giá thành quá cao sẽ rất khó để tiếp cận được đối tượng khách hàng mục tiêu. 

Cuối cùng đó là tối ưu quy trình pha chế bằng sự hỗ trợ của các dụng cụ pha chế giúp rút ngắn thời gian pha chế và các công đoạn, khách hàng sẽ không phải chờ đợi quá lâu để được phục vụ từ đó tăng sự hài lòng cho khách hàng.

Lên menu và thức uống cho quán cà phê
Lên menu và thức uống cho quán cà phê

4.2. Chi phí khai trương quán

Với mô hình kinh doanh quán cà phê nhỏ thì bạn sẽ không cần đầu tư quá lớn vào chi phí khai trương rầm rộ như những mô hình quán cà phê lớn. Thông thường chỉ cần bỏ ra từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng để mời bạn bè, người thân đến chung vui là đủ. Nếu muốn gây sự chú ý bạn cũng có thể dựng sân khấu và tổ chức lễ khai trương to nhưng chi phí lại rất cao. Có trong tay số vốn hạn chế bạn nên giảm thiểu những khoản không cần thiết này để có vốn dự trù khi quán bắt đầu đi vào hoạt động.

4.3. Học pha chế để tiết kiệm chi phí thuê nhân viên

Đối với những mô hình kinh doanh quán cà phê nhỏ, để tăng lợi nhuận bạn cần giảm thiểu chi phí dành cho nhân viên. Thông thường bạn chỉ cần từ 1 đến 2 nhân viên phục vụ cho quán. Bên cạnh đó bạn nên đi học pha chế để có thể phụ giúp với nhân viên trong những thời điểm quán cà phê đông khách. Có kiến thức về pha chế cũng giúp bạn giám sát được hiệu quả về quy trình làm việc của nhân viên. 

Lời kết: Hy vọng thông qua những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm của mô hình kinh doanh quán cà phê nhỏ và những lưu ý khi đầu tư vào mô hình này. Cảm ơn bạn đã theo dõi và kính chúc công việc kinh doanh cà phê của bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Tags:  Cà phê hạtcà phê nguyên chấtcà phê rang mộccà phê rang xaycà phê giá sỉ90S Coffee

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *